TIN MỚI
Theo đề án phát triển ngành du lịch, Quảng Ninh sẽ quy hoạch và khuyến khích thu hút đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch, dịch vụ đồng bộ và hiện đại, hài hòa với thiên nhiên cùng cảnh quan quanh vịnh Cửa Lục và vịnh Hạ Long. Đặc biệt, xây dựng vịnh Cửa Lục thực sự trở thành "vịnh Sydney bên bờ vịnh Hạ Long". (Sydney là một trong những thành phố sầm uất của nước Úc được bao quanh bởi những bãi biển và vùng vịnh xinh đẹp).
Vịnh Cửa Lục chỉ rộng 18 km2, là nơi hội tụ của 6 cửa sông từ huyện Hoành Bồ cũ đổ ra. Vịnh Cửa Lục nằm giáp với vịnh Hạ Long, cửa thông ra vịnh Hạ Long rộng khoảng một km. Theo quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển theo mô hình gồm 5 vùng, trong đó lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là cầu kết nối. Như trong ảnh, vịnh Cửa Lục rộng 18 km2 là nơi hội tụ của 6 cây cầu là: Cầu Bãi Cháy, Cửa lục 1 (cầu Tình Yêu), Cửa Lục 3 (cầu Bình Minh), cầu Bang, cầu Đá Trắng và hiện đang quy hoạch xây dựng thêm cầu Cửa Lục 2.
Đầu tiên và nổi bật nhất trong số đó là cầu Bãi Cháy. Cầu Bãi Cháy được khởi công vào tháng 5/2003 và thông xe tháng 12/2006 với tổng mức đầu tư 2.140 tỷ đồng. Cầu Bãi Cháy là cây cầu đạt kỷ lục thế giới về chiều dài nhịp chính lên đến 435 m trong số các cầu dây văng một mặt phẳng dây có dầm chủ bằng bê tông dự ứng lực. Trước cầu Bãi Cháy, kỷ lục này thuộc về cầu Sunshinne Skyway của Mỹ, có chiều dài nhịp chính là 400 m.
Cầu Bãi Cháy nằm trên quốc lộ 18 nối liền hai khu vực văn hóa, kinh tế của Hạ Long là Hòn Gai và Bãi Cháy. Ngoài việc thay thế bến phà Bãi Cháy, cầu Bãi Cháy còn tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông nội đô thành phố Hạ Long và nối thông toàn bộ Quốc lộ 18 - trục giao thông huyết mạch của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Cầu góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn bộ vùng Đông Bắc đất nước.
Tiếp theo là cầu Cửa Lục 1 (hay còn được biết đến với tên gọi là cầu Tình Yêu). Được khởi công tháng 4/2020 và hoàn thành đầu năm 2022, cầu Cửa Lục 1 có chiều dài khoảng 4,5 km với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ bằng ngân sách địa phương.
Cầu Tình yêu có kiến trúc độc đáo. Trong đó, cầu chính dài 885m được thiết kế 5 nhịp vòm bằng ống thép nhồi bê tông kết hợp với bê tông cốt thép dự ứng lực. Hai bên cầu có vỉa hè cho người đi bộ, sàn vọng cảnh và bồn hoa tạo cảnh quan du lịch.
Cách cầu Tình yêu không xa, tỉnh Quảng Ninh đang quy hoạch xây dựng cầu Cửa Lục 2. Cầu Cửa Lục 2 dự kiến được xây dựng kết nối giữa quốc lộ 279 (thuộc xã Lê Lợi) và quốc lộ 18 (phường Bãi Cháy), thành phố Hạ Long.
Cầu Cửa Lục 2 dự kiến chạy dọc theo đường băng tải nhà máy xi măng Thăng Long chạy sang bên kia vịnh. Đến nay, công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng thêm cầu Cửa Lục 2 đang được khẩn trương thực hiện. Khi hoàn thành cầu Cửa Lục 2 sẽ góp phần rút ngắn thời gian di chuyển, tăng khả năng giao thương qua vịnh Cửa Lục.
Đi tiếp là cầu Cửa Lục 3 (hay còn gọi cầu Bình Minh), cây cầu có tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng với chiều dài hơn 2,6 km, thiết kế 6 làn xe, kết cấu bê tông cốt thép. Cầu Bình Minh có điểm đầu đấu nối tuyến đường trục chính khu đô thị FLC tại phường Hà Khánh, điểm cuối giao với đường 279 (thuộc địa phận xã Thống Nhất).
Cầu Bang là cây cầu bê tông vững chãi vượt qua con sông phía Bắc Cửa Lục nối đôi bờ Hạ Long - Hoành Bồ. Cầu Bang được khánh thành từ tháng 10/2004, đã góp phần quan trọng vào việc phát triển nhiều dự án công nghiệp ở khu Bắc Cửa Lục và Hoành Bồ suốt 2 thập kỷ qua.
Cuối cùng là cầu Đá Trắng, trước đây muốn đi vào xã thống nhất huyện Hoành Bồ cũ, người dân phải đi qua đường tràn Đá Trắng nằm trên tỉnh lộ 326. Con đường xuống cấp nghiêm trọng, di chuyển rất khó khăn. Việc cầu Đá Trắng đưa vào sử dụng đã giúp người dân di chuyển thuận tiện, đồng thời tránh được nhiều nguy hiểm.
Vùng vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục được định hướng là vùng đô thị mới, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa, vui chơi giải trí, công nghiệp công nghệ cao…
Đồng thời, theo chủ trương của Quảng Ninh là trước năm 2030 sẽ di dời tất cả những nhà máy, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, trong đó có các nhà máy xi-măng lớn, ra khỏi khu vực ven bờ vịnh Cửa Lục. Cùng với đó, bảo vệ tuyệt đối những khu rừng ngập mặn còn lại xung quanh vịnh Cửa Lục.